Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

Đại Lễ Phục Sinh

Lễ phục sinh mừng Chúa Giêsu sống lại

Hằng năm người Công giáo mừng lễ Phục sinh, theo như lịch phụng vụ Giáo Hội ấn định mỗi năm mỗi thay đổi khác nhau về ngày tháng lễ mừng.

Trong đêm mừng kỷ niệm Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, Giáo Hội Công Giáo thường cử hành nghi lễ này rất long trọng và cảm động khi mặt trời đã lặn, hoặc vào buổi sáng tinh sương ngày chúa nhật phục sinh lúc mặt trời chưa mọc.

Nghi lễ này không chỉ nhắc nhở một biến cố, một kỷ niệm đã diễn ra cách đây trên 2000 năm, nhưng còn muốn nói đến nguồn gốc của Đức Tin. Như thánh Phaolo tuyên tín: Nếu Chúa Giê su không sống lại, đức tin của chúng ta trở nên hoang đường. (1 cor 15,17).

Như thế lễ phục sinh mừng kỷ niệm Chúa Giêsu sống lại chính là lễ của Đức tin, lễ của niềm vui và của niềm hy vọng.

Nhưng lịch sử nguồn gốc lễ mừng này trong Giáo Hội Công giáo có từ khi nào và tại sao có sự thay đổi khác nhau về ngày tháng của lễ mừng?

1.Lịch sử lễ mừng theo hai niên lịch

Lễ Phục sinh cùng với lễ Ngũ Tuần - Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống – là ngày đại lễ lớn long trọng cùng có chiều dài lịch sử lâu đời nhất trong Giáo Hội Công giáo.

Lễ Phục sinh có nguồn gốc rễ từ lễ Passah của Do Thái giáo. Lễ Phục sinh khởi đầu từ buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần – ngày Chúa nhật – và kéo dài 50 ngày tới lễ Ngũ tuần - lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Tới thế kỷ thứ ba lễ Phục sinh được mừng như một ngày lễ trọng thôi. Trong thế kỷ thứ ba, một tuần trứơc ngày đại lễ Phục sinh bắt đầu có Tuần Thánh như mùa chay thánh chuẩn bị đón mừng đại lễ phục sinh. Từ Thế kỷ thứ tư, ba ngày thánh trọng đại: Thứ Năm tuần thánh, thứ sáu tuần thánh và thứ bảy tuần thánh – đến sáng ngày lễ Phục sinh, như cao điểm của năm phụng vụ được đưa vào.

Các Giám Mục họp Công đồng Nicea thứ nhất năm 325 đã đưa ra quyết định ngày lễ Phục sinh là ngày Chúa nhật thứ nhất sau tuần trăng tròn thứ nhất khi mùa Xuân ngoài thiên nhiên bắt đầu.

Như thế, theo niên lịch Gregorianer bên Phương tây ngày lễ mừng sớm nhất vào ngày 22. Tháng Ba hằng năm và trễ nhất vào ngày 25. Tháng Tư mỗi năm.

Giáo Hội Chính Thồng giáo (Oxthodox) tính ngày tháng theo niên lịch Julianer, nên so với niên lịch bên phương tây trễ hơn 13 ngày. Và cũng theo Giáo Hội Chính thống, lễ Phục sinh không được phép mừng liền trước hoặc ngay sau lễ Passah của Do Thái. Chính vì thế, hai bên Giáo Hội phương tây (Công giáo) và Giáo Hội phương đông (Chính thống giáo) mừng lễ Phục sinh vào những ngày Chúa nhật khác nhau.

Nhưng dẫu vậy, cả hai Gíao Hội và cả Giáo Hội Tin Lành cũng cử hành lễ nghi Phục sinh mừng Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết vào ban đêm.

2.Lễ nghi phụng vụ

Lễ nghi mừng Phục sinh vào chiều tối ban đêm ngày thứ bảy tuần thánh sang ngày chúa nhật gồm có bốn phần:

2.1.Làm phép Lửa mới và Cây Nến Phục sinh

Lễ nghi này được cử hành ngoài sân trước thánh đường. Sau đó vị chủ tế, Linh mục hoặc Thầy Phó tế cầm cây nến Phục sinh, và Cộng đoàn giáo dân đốt thắp mỗi người một cây Nến nhỏ cầm trong tay tiến vào nhà thờ còn tối.

Đến cung thánh Cây nến Phục sinh được cắm trên chân bệ cao, Linh mục hoặc thầy Phó tế xông hương và hát bài Exultet ca ngợi ánh lửa cây nến Phục sinh, như ánh sáng Chúa Giêsu Kito sống lại dọi chiếu vào nơi tối tăm sự chết.

Ngọn lửa phục sinh tuy là hình ảnh tượng trưng cho ánh sáng hơi nóng ấm của Chúa sống lại

chiếu soi vào đêm tối sự chết, nhưng có lịch sử nguồn gốc trong đời sống xã hội trong dân gian. Từ xa xưa người dân lúc chưa biết đến đạo Công giáo hay Chính Thống đã có tập tục đốt lửa mùa Xuân rồi. Qua đó họ muốn kéo ánh sáng mặt trời từ trời cao xuống mặt đất địa cầu.

Vào năm 750 ở bên Pháp những tín hữu Chúa Kitô đã bắt đầu tập tục đốt lửa phục sinh và tập tục này lan rộng khắp nơi từ thế kỷ thứ 11. Ngày nay Cây Nến Phục sinh là trung tâm của nghi lễ đêm phục sinh.

Lần đầu tiên Thánh Hieronimo trong một bức thư đã nói đến Cây Nến Phục sinh ở Piacenca năm 384. Đến thế kỷ thứ 10. Cây Nến Phục sinh trở thành tập tục lễ nghi phụng vụ chắc chắn trong toàn thể Giáo Hội Công giáo, và được đốt thắp từ đêm lễ Phục sinh đến lễ Ngũ Tuần - lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống – Sau đó cây nến Phục sinh được dựng gần bên giếng nước rửa tội trong nhà thờ.

2.2. Canh thức đón tin mừng phục sinh

Phần này là phần Phụng vụ Lời Chúa gồm bảy bài đọc trích trong các sách Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước. Có những nơi đọc cả bảy bài. Nhưng có những nơi chỉ đọc ba hay bốn bài được lựa chọn. Nhưng bài sách thánh thứ ba trích trong sách Xuất hành ( 14,15-15,1a) không được bỏ.

Tiếp đến là bài Thánh thư, phần công bố Tin mừng Phục sinh. Trong lúc này Halleluia được long trọng cất hát với cung giọng theo ba cấp từ trầm tới bổng báo tin Chúa Giêsu sống lại. Sau đó là phần công bố tin mừng Chúa sống lại trích trong sách Phúc âm.

2.3.Làm phép nước Rửa tội và tuyên lại lời hứa rửa tội.

Từ thế kỷ thứ 4. đêm phục sinh trở thành đêm của lễ nghi rửa tội trong Giáo Hội, và qua đó nảy sinh ra mối tương quan giữa phục sinh và bí tích rửa tội. Theo tập tục lễ nghi của Giáo Hội Công Giáo, trong đêm này người giáo dân lấy nước thánh đã làm phép mang về cất ở nhà để xin Chúa Phục sinh gìn giữ nhà khỏi những xấu xa sự dữ tai ương.

Trong đêm này, mọi người tín hữu Chúa Kitô đi tham dự lễ nghi Phục sinh tuyên lại lời hứa khi xưa đã chịu phép rửa tội, là từ bỏ tội lỗi, từ bỏ ma qủi sự dữ. Tin vào Thiên Chúa ba ngôi là Cha và Con và Thánh Thần, như trong kinh Tin Kính đọc. Đây là những điều tin căn bản trong đạo Công giáo.

2.4. Phụng vụ Thánh Thể.

Tiếng Hy lạp có tên Eucharistei, tiếng latinh là Eucharistica, có nghĩa là „Tạ ơn“. Trong mỗi Thánh lễ Misa trong phần này không chỉ tưởng nhớ, nhưng tin đây là sự hy sinh chịu chết của Chúa Giêsu trên thánh gía hiện diện mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.

Giáo Hội Công giáo, cũng như Giáo Hội Chính Thống giáo và cả Anh giáo đều coi phần nghi lễ phụng vụ Thánh Thể có cơ sở căn bẳn dựa theo lời Thánh Phaolô viết để lại trong thư thứ nhất gửi Giáo đoàn Côrinthô ( 1. Cor 11,24-27) về Bí tich Thánh Thể:

„Chúa Giêsu cầm lấy bánh, (24) dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy".(25) Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Ðây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy". (26) Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. (27) Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa.“

Giáo Hội Tin lành lại có quan niệm đây là bữa tiệc ly cuối cùng của Chúa Giêsu với các Môn đệ trước khi chịu chết. Nên bây giờ cử hành lại chỉ là bữa tưởng niệm nhớ lại thôi.

3. Một vài tập tục lễ phục sinh

Con chiên: Xưa nay có những nơi làm con chiên ằng bột hay bằng cơm gạo nếp vào dịp lễ Phục sinh. Và ngày nay trong các cửa hàng bán bày trưng dịp lễ phục sinh cũng có con chiên đúc làm bằng bột bánh kẹo.

Hình ảnh con chiên tượng trưng cho sự vô tội hiền lành. Con chiên hay một con vật rừng ngày xưa bị bắt đem đi xén cắt lông rồi bị giết làm vật tế thờ Thiên Chúa, như trong sách Kinh Thánh cựu ước ghi chép lại.

Chúa Giêsu được xem ví như con chiên: „Đây con chiên Thiên Chúa, đấng đến gánh tội trần gian“ (Gioan 1,29).

Thời Giáo Hội thuở ban đầu người ta đặt thịt con chiên ở dưới chân bàn thờ. Thịt chiên được làm phép thánh hiến đem dùng làm thức ăn mừng lễ phục sinh.

Trứng phục sinh: Từ thế kỷ thứ 12. nói đến tập tục làm phép trứng đêm phục sinh. Trứng là biểu hiệu sự sinh sôi nảy nở sức sống mới. Thời trung cổ trứng còn là bản vị giao dịch trao đổi mua bán như tiền bây giờ.

Trứng trở thành biểu hiệu tượng trưng cho sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Vì sự sống lại của Ngài bùng lên từ trong nấm mồ chôn sâu kín dưới lòng đất cũng giống như con gà con chui trồi ra từ vỏ bao trái trứng cứng khô chung quanh nó.

Càng ngày trái trứng phục sinh trở thành thức ăn ưa thích trong mùa phục sinh hoặc còn để trang trí cho ngày lễ, người ta đã và còn đang vẽ nhuộm trái trứng với những mầu sắc cùng hình tượng theo truyền thống nếp văn hóa mang tính chất nghệ thuật và mỹ thuật rất hấp dẫn đẹp mắt.

Con thỏ phục sinh: từ thế thứ 17. ở những gia đình theo đạo Tin lành ngoài tập tục trứng phục sinh dấu trong vườn còn có thêm tập tục con thỏ phục sinh nữa. Con thỏ phục sinh cũng là biểu tượng cho lễ phục sinh về sự sống mới, vì lòai thỏ sinh sản rất nhiều và nhanh, nhất là vào mùa Xuân, và vì chúng ngủ mà vẫn mở to con mắt. Tập tục con thỏ phục sinh dần dần trở thành phổ biến khắp nơi vào dịp lễ phục sinh khắp nơi bên Âu châu.

************

Lễ mừng tôn kính Thần Thánh của tôn giáo đều có căn bản cốt lõi đức tin đạo giáo, nhưng cũng dần dần phát triển thành hình theo với nếp văn hóa cùng phong tục tập quán của con người.

Những lễ nghi cùng với ý nghĩa biểu trưng tập tục trong đời sống không làm cho trung tâm đức tin lễ mừng bị tán loãng phân hoá, trái lại tô đậm làm nổi bật ý nghĩa thêm lên cho đức tin.

Nhưng rất tiếc, nhiều khi con người lại qúa chú ý đến phần lễ nghi bên ngoài mà bỏ quên hay sao lãng phần trung tâm đức tin của lễ mừng.

Lễ phục sinh tuy là ngày lễ nghỉ, lễ mừng xưa nay trong đời sống xã hội, nhưng lễ này là lễ đức tin của đạo Kytô giáo: Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết là nền tảng cho đức tin vào Thiên Chúa hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Mừng lễ Phục sinh 2010

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo dài 30 Tết 2020